Tập thể dục ngày nắng nóng, những nguy cơ phải đối mặt
Tóm tắt
Sốc nhiệt vì gắng sức dưới nắng nóng của mùa hè dễ xảy ra khi vận động cường độ cao như chạy marathon, đòi hỏi runner cần có kiến thức, kỹ năng để ứng phó.
Trừ những trường hợp có triệu chứng sức khoẻ hoặc các vấn đề liên quan tới tim mạch, nắng nóng thường được các nhà nghiên cứu đề cập đến như một nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những sự cố nguy hiểm trên đường chạy. Thời tiết nắng nóng, cộng với hoạt động cường độ mạnh trong thời gian dài sẽ dẫn đến hiện tượng sốc nhiệt do gắng sức (hay còn gọi là Exertional Heat Stroke, viết tắt là EHS).
EHS thường xảy ra khi nhiệt độ bên trong cơ thể lên hơn 40,5 độ C, theo American College of Sport Medicine. 40,5 độ C thoạt nhìn có vẻ cao, nhưng đây là nhiệt độ bên trong cơ thể nên luôn cao hơn nhiệt độ đo bằng nhiệt kế qua da khoảng 1 độ. Hơn nữa, việc nhiệt độ bên trong cơ thể lên tới 38-39 độ là chuyện khá bình thường khi tập luyện cường độ cao, nhất là các buổi tập chạy tốc độ (tempo) trong thời gian dài.
Có thể bạn quan tâm
Khi nhiệt độ ngoài trời càng cao, nhiệt độ bên trong cơ thể càng dễ tăng cao nếu không có các biện pháp làm mát như bổ sung nước, dội nước lên người… Do đó, nguy cơ sốc nhiệt cũng đặc biệt cao trong các giải thi đấu mùa hè, khi nhiệt độ ngoài trời có thể lên tới 35-36 độ.
Sốc nhiệt thường kéo theo rối loạn hệ thần kinh trung ương. Vì vậy, người bị sốc nhiệt có thể có biểu hiện mất định hướng, mất nhận thức, hôn mê hoặc co giật. Sốc nhiệt còn dẫn tới tổn thương đa cơ quan, nội tạng (gan, thận…) khi thân nhiệt lên quá cao
Có thể bạn quan tâm
Nhiệt độ cao ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào?
Trong điều kiện nhiệt độ bình thường, da, sự tăng tiết mồ hôi… sẽ được cơ chế tự làm mát của cơ thể điều chỉnh. Tuy nhiên, hệ thống làm mát tự nhiên này có thể “đình công” nếu bạn tiếp xúc với nhiệt độ cao quá lâu, đổ mồ hôi nhiều và không uống đủ nước. Từ đó, có thể dẫn đến một số vấn đề về sức khỏe như:
Chuột rút: Là những cơn co thắt, căng cứng cơ gây đau, buộc bạn phải gián đoạn việc tập thể dục.
Ngất hoặc cảm giác xây xẩm mặt mày: Thường xảy ra sau khi đứng trong một thời gian dài hoặc đứng dậy nhanh sau khi ngồi, đột ngột ngừng chạy…
Kiệt sức: Lúc này, nhiệt độ cơ thể có thể đạt 40 độ C, kèm theo các triệu chứng như nôn ói, đau đầu, đổ mồ hôi lạnh, yếu người… Nếu không xử trí kịp thời, kiệt sức do nhiệt sẽ tác động xấu đến sức khỏe.
Say nắng: Đây là tình trạng khẩn cấp, cần được chăm sóc y tế ngay lập tức. Say nắng khi tập thể dục lâu ngoài trời có thể làm tổn thương não, thậm chí tử vong. Bạn cần cẩn trọng nếu thấy xuất hiện các dấu hiệu như choáng váng, đau đầu, nôn ói, xuất hiện các vấn đề về nhịp tim, rối loạn thị giác và mệt mỏi…
Cần nhớ gì khi tập thể dục trong ngày nắng nóng?
Phần lớn các vấn đề về sức khỏe do nhiệt độ cao có thể phòng ngừa được. Để đảm bảo sức khỏe khi tập thể dục trong thời tiết nắng nóng cần lưu ý:
Giúp cơ thể thích nghi dần: Nếu bạn đã quen với việc tập thể dục trong nhà hoặc dưới thời tiết mát mẻ, hãy để cơ thể thích nghi dần với cái nóng nếu thay đổi nơi tập luyện. Ban đầu chỉ nên tập trong thời gian ngắn, sau đó, tăng dần thời lượng và cường độ tập luyện.
Biết tự giới hạn. Thời tiết nắng nóng sẽ làm giảm sức chịu đựng của cơ thể, vì vậy, hãy giảm cường độ tập thể dục và nghỉ ngơi thường xuyên.
Uống nhiều nước. Nước giúp làm mát cơ thể từ bên trong và đổ mồ hôi hạ nhiệt bên ngoài. Mất nước là một trong những nguy cơ lớn nhất dẫn đến các vấn đề về sức khỏe ngày nắng. Do đó, hãy uống nước thường xuyên, đừng đợi đến khi khát. Bên cạnh nước lọc, bạn có thể cân nhắc dùng thêm một số thức uống thể thao có chứa natri, clorua và kali.
Chọn quần áo phù hợp. Quần áo màu sáng, nhẹ, rộng giúp mồ hôi bay hơi và giữ cơ thể mát hơn. Nếu có thể, hãy đội thêm một chiếc mũ rộng vành.
Tránh tập thể dục giữa trưa. Trong những ngày nóng bức thời điểm thích hợp nhất để tập thể dục là sáng sớm hoặc chiều tối, khi đó nhiệt độ ngoài trời sẽ thấp hơn.
Hiểu rõ bản thân. Nếu bạn mắc các vấn đề về sức khỏe khác, hãy trao đổi với bác sĩ trước khi bắt đầu kế hoạch tập luyện để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe